Tin Tức & Sự Kiện

Nạn nhớt giả, làm sao để tránh ‘bẫy’?

Bẫy nhớt giả, nhớt tái chế

Tháng 6.2024, Thanh Hằng (30 tuổi) đi qua một tiệm sửa xe trên đường Lê Văn Lương (Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM) tiện thay dầu nhớt cho chiếc xe máy đã đi hơn 3.000 km của mình. Ba tháng sau, khi xe thỉnh thoảng bị tắt máy bất chợt, chị Hằng mang tới cửa hàng nơi đã mua xe để bảo dưỡng và người thợ đã phát hiện nhớt có nhiều cặn bã tích tụ. "Thợ nói rất có thể tôi đã đổ phải nhớt giả hoặc nhớt tái chế. Tất cả những lần trước kia tôi đều thay tại cửa hàng xe ủy quyền chính hãng", chị Hằng bức xúc.

Anh Duy Đức, nhân viên một tiệm sửa xe tại Q.4, TP.HCM cho biết tình trạng dầu nhớt giả, nhớt tái chế trà trộn trên thị trường không phải là hiếm. Không chỉ riêng người tiêu dùng, chính một vài tiệm sửa chữa nhỏ cũng có thể bị lừa.

Mỗi năm, cơ quan quản lý thị trường phanh phui hàng chục cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái và hàng tái chế như vậy. Với nhớt giả, các đối tượng sử dụng một số thủ đoạn phổ biến để trà trộn vào thị trường. Phổ biến nhất là chúng sử dụng vỏ chai chính hãng của các thương hiệu lớn, gia công như mới. Các đối tượng thu mua lại các vỏ chai dầu nhớt đã qua sử dụng từ các trung tâm sửa chữa xe máy, ô tô hoặc từ người tiêu dùng, sau đó làm sạch và đổ nhớt giả vào để bán lại như hàng mới, giữ nguyên nhãn mác, logo. Vì là vỏ chai chính hãng nên việc tái sử dụng bao bì này giúp các đối tượng dễ dàng qua mặt người tiêu dùng. Điều này khiến người mua rất khó phân biệt với sản phẩm thật.

Hầu hết các sản phẩm dầu nhớt trên thị trường hiện nay đều sử dụng bao bì nhựa, rất dễ cho các đối tượng lợi dụng sản xuất sản phẩm nhựa có kích thước, hình dáng, màu sắc tương tự của các thương hiệu lớn, làm cho sản phẩm nhìn rất giống hàng thật. Sau đó, họ làm nhãn mác, tem và mã vạch gần như y hệt với sản phẩm chính hãng. Đặc biệt, một số bao bì nhái còn có cả mã QR, tuy nhiên mã này thường khó kiểm tra trên hệ thống chính hãng, thường dẫn đến các trang web không chính thống. Thậm chí, một số đối tượng còn tạo ra các tem giả, làm cho sản phẩm nhìn bề ngoài có vẻ đáng tin cậy.

Tinh vi hơn, các đối tượng pha trộn dầu nhớt kém chất lượng dầu không chất lượng hoặc dầu đã qua sử dụng để tái chế. Các đối tượng xấu dùng dầu đã qua sử dụng, sau đó lọc sơ qua và pha trộn thêm với các hóa chất kém chất lượng để tạo thành dầu nhớt. Loại dầu này không còn các tính năng bôi trơn, làm mát và bảo vệ động cơ. Họ trộn dầu công nghiệp kém chất lượng để tạo cảm giác giống dầu thật, nhưng sản phẩm này thường không đạt tiêu chuẩn cho động cơ ô tô hoặc xe máy, dễ làm hỏng hóc.

Ngoài ra, các đối tượng có thể lợi dụng hệ thống phân phối không chính thống để đưa các sản phẩm ra thị trường. Nhóm này thường chọn bán nhớt giả qua các cửa hàng nhỏ, nơi không có quy trình kiểm tra nguồn gốc sản phẩm nghiêm ngặt như các đại lý lớn hoặc các trung tâm bảo dưỡng chính hãng. Cùng với đó, nhiều nhớt giả được bán trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, với giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng, thu hút người tiêu dùng muốn tiết kiệm chi phí.

Để tránh tiền mất tật mang

Thực tế, theo anh Duy Đức, việc phát hiện nhớt giả có thể rất khó khi xe mới chạy vài kilomet. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 100 - 200 km, nhớt giả sẽ nhanh chóng xuống cấp, dẫn đến các biểu hiện như động cơ phát ra tiếng gào và nóng lên đáng kể. Lúc này, xe không còn phản ứng nhanh nhạy và nhớt sẽ chuyển sang màu đen rất nhanh.

Nhớt giả không có khả năng bôi trơn tốt, dẫn đến ma sát lớn trong động cơ, làm mòn các bộ phận và có thể gây hỏng hóc nghiêm trọng. Động cơ bị ảnh hưởng bởi nhớt kém chất lượng thường sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn và giảm công suất. Khi không đủ khả năng làm mát, động cơ có thể bị nóng quá mức và dẫn đến nguy cơ cháy nổ, gây nguy hiểm cho người lái. Cuối cùng, việc hỏng hóc động cơ do nhớt giả thường đòi hỏi phải sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận với chi phí rất cao.

Nạn nhớt giả, làm sao để tránh ‘bẫy’?- Ảnh 2.

Chỉ chọn thay dầu nhớt từ các cửa hàng, đại lý chính hãng hoặc có uy tín rõ ràng

 

(nguồn báo Thanh Niên)